[Phần 2] Thời trang bền vững - Sustainable Fashion

 

Ở phần trước, chúng ta đã cùng nhau bàn về khái niệm cũng như những mặt tích cực của thời trang bền vững. Tuần này, Zumi sẽ mang đến cho các bạn một khái niệm khác, đi ngược lại với xu hướng thời trang bền vững – chính là “Thời trang nhanh – Fast fashion”.

 

 

THỜI TRANG NHANH

“Thời trang nhanh”, hay còn gọi là “thời trang ăn liền” là thuật ngữ dùng mô tả những thiết kế bắt kịp xu hướng một cách nhanh chóng; dựa trên xu hướng của những buổi trình diễn thời trang cao cấp theo mùa, sản xuất và đem ra bày bán tại các cửa hàng chỉ trong một thời gian ngắn.

Có một quy tắc bất thành văn trong lĩnh vực thời trang giá rẻ đó là “Mười lần giặt” – nghĩa là sau chừng mười lần giặt, chất lượng quần áo sẽ bị giảm đáng kể và người tiêu dùng sẽ không ngần ngại bỏ chúng đi để mua thứ mới. 

 

 

Manh nha từ những năm 60 của thế kỷ trước, giới trẻ lúc bấy giờ bắt đầu tạo ra những xu hướng thời trang sử dụng chất liệu rẻ và dễ tìm như một cách thể hiện phong cách bản thân. Cho tới cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, ngành công nghiệp thời trang nhanh như một bông hoa nở rộ với những tên tuổi lớn như Zara, H&H, Topshop, hay Uniqlo; các chuỗi cửa hàng của các thương hiệu này có thể được bắt gặp mọi nơi trên khắp thế giới.

 

 

Đúng như tên gọi, thời trang nhanh chỉ cần 15 – 20 ngày để đưa một ý tưởng thiết kế trên giấy trở thành một sản phẩm được bày bán tại cửa hàng. Xu hướng này đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho các nhà bán lẻ bới chi phí sản xuất thấp, các sản phẩm mới ra mắt liên tục khuyến khích người tiêu dùng chi tiền để bắt kịp xu hướng.

Tuy nhiên lượng quần áo sản xuất càng nhiều thì áp lực của ngành thời trang lên môi trường càng lớn. Theo nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc Châu Âu – UNECE, thời trang nhanh mang cơ hội tăng trưởng kinh tế nhưng toàn bộ ngành thời trang đang cản trở nỗ lực phát triển bền vững bằng việc chiếm tới 20% lượng nước thải, 10% lượng khí thải toàn cầu.

Để đạt được chi phí thấp nhất, đến 50% quần áo chúng ta đang mặc có chất liệu được làm từ polyester – được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch là dầu mỏ và than đá. Chất liệu này khi được quay trong máy giặt sẽ tạo những sợi vải siêu nhỏ (microfiber), làm tăng lượng vi nhựa thải ra nguồn nước và không lâu sau đó sẽ quay lại với chính cơ thể con người.

 

Hóa chất dư thừa tại một nhà máy dệt ở Ấn Độ

 

Nhiều thương hiệu đã có những giải pháp như chuyển sang sử dụng chất liệu cotton hữu cơ, tuy nhiên quá trình trồng bông đòi hỏi lượng nước và thuốc trừ sâu hóa học rất lớn, dẫn tới dư lượng chất độc hóa học trong đất và nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.

 

 

Cánh đồng trồng bông ở Ấn Độ

 

ĐỪNG BIẾN THỜI TRANG THÀNH TỘI ĐỒ CỦA MÔI TRƯỜNG

Là một người tiêu dùng thông minh và quan tâm tới môi trường, hãy chọn mua sản phẩm dựa trên chất lượng và vòng đời sử dụng thay vì giá thành rẻ. Bởi sản phẩm giá rẻ đôi khi phải đánh đổi với cái giá khá đắt cho môi trường và chính sức khỏe chúng ta.

 

Câu nói của nhà thiết kế nổi tiếng Vivienne Westwood.

 

Cung – cầu là quy luật tự nhiên và tất yếu của thị trường.Một khi người tiêu dùng thay đổi tư duy và hành động thì các hãng thời trang sẽ biết cách thích ứng và cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực. 

 

 

BST "Loose the loop" của H&M với xu hướng tái chế

 

“Thời trang có thể là “một chiến binh toàn cầu” trong việc bảo vệ hành tinh.” – Pharrell Williams.

 

Chiến dịch "Detox" của tổ chức môi trường Greenpeace.

 

Trên con đường tiến đến Top 3 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, nhưng cũng mang trong mình tiềm năng dồi dào để phát triển thời trang bền vững. Hãy là người tiêu dùng thông minh để thời trang và cái đẹp luôn được tôn vinh và nhìn nhận một cách tích cực.

 

Zumi Uniform

 

Hỗ trợ trực tuyến
Báo giá nhanh

Đang xử lý... Vui lòng chờ trong giây lát.