[Phần 1] Thời trang bền vững - Sustainable Fashion

 

Trong vài năm trở lại đây, khái niệm “thời trang bền vững” đã không còn xa lạ gì với chúng ta, đã và đang trở thành mối quan tâm của mọi doanh nghiệp và thương hiệu thời trang trên khắp thế giới. Tuy nhiên chúng ta đã thực sự hiểu đúng và đủ khái niệm này hay chưa? Hãy cùng Zumi tìm hiểu nhé!

 

KHÁI NIỆM “THỜI TRANG BỀN VỮNG”

Thời trang bền vững là một quá trình mà trong đó tất cả các giai đoạn từ thiết kế, cung ứng nguyên liệu, sản xuất, chiêu thị và tiêu thụ đều phải được thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo sự bền vững về môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Nói cách khác, mục đích chính của thời trang bền vững là kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm nhằm hạn chế những tác động tiêu cực lên sự cân bằng hệ sinh thái. 

 

 

Khái niệm thời trang bền vững bắt đầu manh nha từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 và nhận được sự quan tâm của công chúng từ những năm 2000.

 

LỢI ÍCH VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA THỜI TRANG BỀN VỮNG

Báo cáo của UN năm 1987 – “Tương lai của chúng ta” đã phản ánh những tác động tiêu cực gây ra bởi hoạt động của con người lên môi trường tự nhiên. Nhiều nghiên cứu và báo cáo gần đây cũng chỉ ra những gánh nặng môi trường đang phải chịu đựng từ ngành công nghiệp thời trang, như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng trọt, dư hóa phẩm nhuộm vải, khai thác quá mức lông, da động vật…

 

 

Thời trang ảnh hưởng tới môi trường nhiều hơn chúng ta nghĩ. Trên thực tế, vải được dệt từ sợi bông, bông được trồng từ đất, mà đất đã và đang bị ảnh hưởng bởi việc lạm dụng thuốc trừ sâu, chế phẩm hóa học. Dư lượng này hấp thụ vào đất, thải vào sông hồ. Các loài động vật, ngay cả con người đều sử dụng nước từ những nguồn này, cuối cùng con người ăn và uống các sản phẩm ô nhiễm.

 

 

Một vấn đề xã hội đang rất được quan tâm tại các nước đang phát triển – nơi đặt phần lớn xưởng sản xuất của các thương hiệu thời trang, đó là người lao động chịu sự dám sát gắt gao trong môi trường làm việc không đảm bảo, phải làm việc cường độ cao để kịp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhưng mức lương chỉ vừa đủ sống.

 

Chiến dịch “Who made my clothes” của Fashion Revolution

 

Phong trào thời trang bền vững chỉ mang lại ảnh hưởng tích cực khi người tiêu dùng đã biết quan tâm hơn tới các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe của chính mình. Tuy nhiên, phong trào này không chỉ đòi hỏi tư duy và nhận thức mà cần có hành động và chiến lược thiết thực đến từ các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. 

 

 

ĐÂU LÀ CHUẨN MỰC CỦA QUÁ TRÌNH TẠO NÊN THỜI TRANG BỀN VỮNG?

Như đã đề cập ở trên, thời trang bền vững không phải là một đích đến, mà đó là một quá trình gồm nhiều giai đoạn. 

Quy trình sản xuất

-        Nguyên liệu dùng để sản xuất là nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế, thân thiện với môi trường như linen, đũi, cotton,…

-        Quy trình nhuộm vải không sử dụng thuốc nhuộm hóa học gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

-        Quy trình vận chuyển: nơi sản xuất cách nơi tiêu thụ không quá 400km, hạn chế tối đa ô nhiễm từ việc vận chuyển nguyên liệu tới nơi sản xuất và thành phẩm tới nơi bán lẻ; tiết kiệm nguồn nhân lực và phát triển kinh tế địa phương.

-        Giảm thiểu lượng nước sử dụng trong quy trình sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.

-        Sử dụng năng lượng tái tạo.

Quy trình phân phối

-        Đóng gói, bao bì: giảm lượng vật liệu dùng cho đóng gói, tái sử dụng và tái chế; hạn chế tối đa việc sử dụng nilon.

-        Vận chuyển, giao nhận: giảm số chuyến nhằm hạn chế ô nhiễm từ quá trình vận chuyển; sử dụng phương tiện tiêu thụ nhiên liệu thân thiện với môi trường.

-        Cắt giảm trung gian trong mua bán.

-        Marketing: hạn chế sử dụng hình thức in ấn (brochures, poster, catalogue…). Nhãn mác sử dụng vật liệu bằng vải hoặc giấy.

Quy trình tiêu thụ

-        Sản phẩm bền vững: thành phẩm của quá trình sản xuất bền vững, chất lượng cao, có giá trị về cả vật chất và tinh thần để giúp khách hàng sử dụng lâu nhất có thể mà không cần thay mới trong thời gian ngắn.

 

 

Quy trình tiêu thụ có “xanh” hay không phụ thuộc vào cách truyền tải thông điệp của thương hiệu và cả tư duy, nhận thức của người tiêu dùng. Vì vậy hãy tự mình trở thành nhân tố đóng góp cho sự thay đổi tích cực của môi trường và nhân loại vì tương lai của chính bản thân mình.

 

 

Zumi Uniform

 

Hỗ trợ trực tuyến
Báo giá nhanh

Đang xử lý... Vui lòng chờ trong giây lát.